PVLC - Mùa Thường Niên: Tuần I Thứ 2

 Bài Ðọc I: (năm II) 1 Sm 1, 1-8

"Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ".

Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.

Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: "Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?"

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

2) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

3) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi! - Ðáp. 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia. 

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa. 

 

Suy niệm 

Đức Kitô táđộng  

Hôm nay, Thứ Hai trong Tuần 1 Thường Niên, ngay sau Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chiều hướng và ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa vẫn theo chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh về: "Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

Nếu tất cả thời lượng của Mùa Thường Niên theo lịch trình phụng vụ kéo dài tất cả là 34 tuần lễ, và nếu Mùa Thường Niên này được chia ra làm hai phần cũng là 2 giai đoạn: phần đầu là giai đoạn sau Giáng Sinh và phần sau là giai đoạn sau Phục Sinh, thì Mùa Thường Niên ở giai đoạn hậu Giáng Sinh ngắn hơn Mùa Thường Niên ở giai đoạn hậu Phục Sinh.

Mùa Thường Niên ở giai đoạn hậu Giáng Sinh ngắn nhất thường là 5 tuần lễ (như năm 2013 hay 2016) và dài nhất là 9 tuần lễ (như năm 2002 hay 2011), hoặc 6 tuần (như năm 2015 hay 2018), 7 tuần (như năm 2012 hay 2020), 8 tuần (như năm 2014, 2017, 2019, 2022), rất hiếm năm chỉ có 4 tuần lễ (như năm 2008). Và Phúc Âm cho Mùa Thường Niên giai đoạn hậu Giáng Sinh này hoàn toàn theo Thánh ký Marcô.

Chủ đề cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, cho phụng vụ Lời Chúa của cả Chúa Nhật lẫn ngày thường trong tuần, "Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý", tiếp theo chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể" cho chung Mùa Vọng và chủ đề "Lời ở giữa chúng ta" cho chung Mùa Giáng Sinh, cả 3 chủ đề liên tục và thứ tự này đầu ở trong cùng một câu Phúc Âm Thánh ký Gioan 1:14.

Đúng thế, chủ đề "Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh được sáng tỏ trong bài Phúc Âm hôm nay, trong lời rao giảng tiên khởi của Chúa Kitô cũng như trong việc Người tuyển chọn các môn đệ tiên khởi.

Trước hết, chủ đề "Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" được sáng tỏ trong lời rao giảng tiên khởi của Người: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng". Ở chỗ, Người chính là "Nước Thiên Chúa đã gần đến", nghĩa là Người "đã" đến rồi, ở giữa cộng đồng dân của Người, nhưng chưa "hoàn tất" (Gioan 19:30) sứ vụ cứu chuộc của Người, một sứ vụ cứu chuộc chỉ có thể "hoàn tất" bởi duy một mình Người là Con Người duy nhất "đầy ân sủng và chân lý".

Và chính vì "nước Thiên Chúa đã gần đến" đây là sự kiện nhân vật Giêsu Nazarét bắt đầu công khai tỏ mình ra cho dân Do Thái và trong dân Do Thái, và thực tại "nước Thiên Chúa" đây được biểu hiện nơi bản thân của Người, mà chung con người và riêng những ai được nhìn thấy Người, nghe thấy Người, động chạm đến Người, giao tiếp với Người (xem 1Gioan 1:1), không thể nào "nhận biết Người" và "chấp nhận Người" (Gioan 1:10-12), nếu không đáp ứng lời rao giảng tiên khởi của Người trong bài Phúc Âm hôm nay là "hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng", tức là hãy thực sự khao khát được cứu độ và tìm kiếm ơn cứu độ, nói cách khác, hãy thực lòng trông đợi Đấng Thiên Sai nhờ đó họ mới dễ dàng nhận biết và chấp nhận Người khi Người đến và tỏ mình ra cho họ, qua lời nói và việc làm của Người như là "Tin Mừng" của Người loan truyền cho họ.

Lời rao giảng tiên khởi của Chúa Giêsu nói chung: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng" và lời kêu gọi "hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng" nói riêng không phải chỉ có tác dụng từ khi Chúa Kitô công khai xuất hiện mà còn ở khắp mọi thời đại nữa, đối với bất cứ ai muốn được cứu độ, nhất là những ai đang gặp gian nan khốn khổ, như trường hợp của bà Anna trong Bài Đọc 1 hôm nay, một người vợ son sẻ: "Bà than khóc và không ăn uống gì", cho dù được "Elcana, chồng bà" an ủi: "Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?".

Sau nữa, chủ đề "Vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" được sáng tỏ trong việc Người tuyển chọn các môn đệ tiên khởi: "Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: 'Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người'. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người".

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao 4 chàng thanh niên chuyên nghiệp đánh cá này lại có thể tác hành một cách có vẻ điên khùng như thế, ở chỗ, (nhất là trường hợp của 2 chàng Giacôbê và Gioan, còn chàng Simon và Anrê đã được gặp gỡ Người rồi - xem Gioan 1:40-42), chỉ mới nghe thấy lời của một con người dường như xa lạ, chưa có tiếng tăm hay uy tín nào trong xã hội của mình, lên tiếng kêu gọi "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người", thậm chí cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của lời kêu gọi liên quan đến vấn đề "chài lưới người", mà chẳng ai bảo ai các chàng đã tự động "lập tức bỏ lưới... theo Người" (trường hợp của anh em Simon và Anrê), hay tức khắc "bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người" (trường hợp của anh em Giacobê và Gioan).

Câu trả lời duy nhất chỉ có thể tìm thấy ở đây đó là vì Đấng kêu gọi các chàng thật sự là một Con Người "đầy ân sủng và chân lý", tức là một Con Người đầy Thánh Thần, vì Người là Đấng "làm phép rửa Thánh Thần" (Gioan 1:33) hay là Đấng thông ban Thánh Thần cũng thế, đến độ, như khi mới được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria mẹ của mình, Người đã làm phép rửa cho Tiền Hô Gioan Tẩy Giả mới được 6 tháng thai, khiến thai nhi Gioan như được đầy Thánh Linh "đã nhẩy mừng" ngay khi còn trong lòng thai mẫu (xem Luca 1:41-44) thế nào, (và sau này nhờ đó Tiền Hô Gioan Tẩy Giả mới xứng đáng làm phép rửa lại cho Đấng đã làm phép rửa cho mình), thì tác dụng của lời Người mời gọi 4 môn đệ tiên khởi trong bài Phúc Âm Thánh Marcô hôm nay cũng thế.

Chưa hết, phản ứng và đáp ứng mau chóng lời kêu gọi đầy thần lực của Chúa Kitô nơi 4 chàng môn đệ đầu tiên này, một Đấng mà họ chưa hề quen biết và thân mật, đến độ sau này đã được ở với Người rồi mà các vị vẫn chưa nắm bắt được Người trọn vẹn, thậm chí chối bỏ Người, còn cho thấy đức tin trước lý trí, ở chỗ đức tin làm cho lý trí hiểu biết những gì vượt tầm kiến thức hạn hẹp tự nhiên của con người phàm tục, chứ không phải lý trí có thể hiểu nổi đức tin, và vì thế không phải lý trí hiểu biết đã rồi mới tin, mà nếu thế thì sẽ chẳng bao giờ tin vì chẳng bao giờ lý trí có thể hiểu được những gì đức tin chấp nhận.

Bài Đáp Ca hôm nay dường như âm vang tâm tình của chính Chúa Kitô, Đấng "đầy ân sủng và chân lý" là những gì nhân tính của Người được "ban tặng" để có thể hoàn thành sứ vụ Thiên Sai "cứu độ" của mình như một "đền đáp" cân xứng, như câu thứ nhất của bài Đáp Ca cho thấy:  "Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa". 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

TN.Tuan1-Thu2.mp3